Thứ Sáu, 20 tháng 7, 2018

QUY TRÌNH LẬP KẾ HOẠCH BẢO DƯỠNG, SỬA CHỮA THIẾT BỊ ĐIỆN TRONG HỆ THỐNG ĐIỆN TRUYỀN TẢI

QUY TRÌNH

LẬP KẾ HOẠCH BẢO DƯỠNG, SỬA CHỮA THIẾT BỊ ĐIỆN TRONG HỆ THỐNG ĐIỆN TRUYỀN TẢI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 08 /QĐ-ĐTĐL ngày 14 tháng 03 năm 2013 của Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy trình này quy định trình tự, thủ tục lập kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị lưới điện và nhà máy điện trong hệ thống điện truyền tải.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1.  Đơn vị truyền tải điện (Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia).

2.  Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện (Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia).

3.  Đơn vị phân phối điện (các Tổng công ty điện lực).

4.  Đơn vị phát điện.

5.  Khách hàng sử dụng điện nhận điện trực tiếp từ lưới điện truyền tải.

6.  Tập đoàn Điện lực Việt nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1.     Bảo dưỡng, sửa chữa là công tác đại tu, trung tu, tiểu tu, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị, trong đó bao gồm cả công tác vệ sinh công nghiệp, thí nghiệm định kỳ các thiết bị… với yêu cầu cắt điện toàn bộ, cắt điện một phần hoặc không cắt điện (sửa chữa nóng) thiết bị điện cần sửa chữa.

2.     Cấp điều độ có quyền điều khiển là cấp điều độ có quyền chỉ huy, điều độ hệ thống điện trong phạm vi quản lý của mình, bao gồm điều độ hệ thống điện quốc gia, hệ thống điện miền và hệ thống điện phân phối.

3.     Đánh giá an ninh hệ thống là việc đánh giá độ ổn định và an toàn cung cấp điện căn cứ theo cân bằng giữa công suất, điện năng khả dụng của hệ thống và phụ tải điện dự kiến của hệ thống có tính đến các ràng buộc trong hệ thống điện và yêu cầu dự phòng công suất trong một khoảng thời gian xác định.

4.     Đánh giá an ninh hệ thống ngắn hạn là đánh giá an ninh hệ thống điện được thực hiện hàng ngày cho từng giờ của 14 ngày tiếp theo kể từ thời điểm đánh giá.

5.     Đánh giá an ninh hệ thống trung hạn gồm đánh giá an ninh hệ thống điện năm được thực hiện hàng năm cho 02 năm tiếp theo, đánh giá an ninh hệ thống điện quý được thực hiện hàng quý cho 12 tháng tiếp theo và đánh giá an ninh hệ thống điện tuần được thực hiện hàng tuần cho 08 tuần tiếp theo kể từ thời điểm đánh giá.

6.     Đăng ký bảo dưỡng, sửa chữa là đề nghị về việc bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị của Đơn vị phát điện, Đơn vị truyền tải điện, Đơn vị phân phối điện, Khách hàng sử dụng điện nhận điện trực tiếp từ lưới điện truyền tải gửi đến cấp điều độ có quyền điều khiển.

7.     Đơn vị phát điện là đơn vị điện lực sở hữu các nhà máy điện đấu nối với lưới điện truyền tải hoặc các nhà máy điện có công suất đặt trên 30MW đấu nối vào lưới điện phân phối.

8.     Năm Y là năm vận hành thực tế.

9.     Ngày D là ngày vận hành thực tế.

10.  Phiếu đăng ký công tác là phiếu đăng ký tách thiết bị để bảo dưỡng, sửa chữa của Đơn vị truyền tải điện, Đơn vị phát điện, Đơn vị phân phối điện và Khách hàng sử dụng điện nhận điện trực tiếp từ lưới điện truyền tải gửi đến Cấp điều độ có quyền điều khiển.

11.  Tháng M là tháng vận hành thực tế.

12.  Tuần W là tuần vận hành thực tế.

Điều 4. Quy định chung về việc lập kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa

1.  Kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị lưới điện và nhà máy điện được lập cho các giai đoạn: 02 năm tiếp theo, 12 tháng tới, 01 tháng tới, 01 tuần tới và 01 ngày tới.

2.  Kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị lưới điện và nhà máy điện được lập trên cơ sở lịch đăng ký vận hành và kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị lưới điện, nhà máy điện của Đơn vị truyền tải điện, Đơn vị phát điện, Đơn vị phân phối điện, Khách hàng sử dụng điện nhận điện trực tiếp từ lưới điện truyền tải và phải được tính toán cân đối trong toàn bộ hệ thống điện quốc gia theo các nguyên tắc sau:

a) Đảm bảo vận hành an toàn, ổn định, tin cậy và kinh tế toàn hệ thống;

b) Cân bằng công suất nguồn phát, phụ tải, có đủ lượng dự phòng công suất, điện năng và các dịch vụ phụ trợ cần thiết để đảm bảo an ninh cung cấp điện toàn hệ thống;

c) Tối ưu việc phối hợp bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị lưới điện và nhà máy điện với các ràng buộc về điều kiện thủy văn, yêu cầu về tưới tiêu, phòng lũ và cung cấp nhiên liệu sơ cấp cho phát điện;

d) Kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa ngắn hạn phải được lập dựa trên Kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa dài hạn;

đ) Đảm bảo độ dự phòng (công suất, sản lượng) cao nhất có thể trong các giờ cao điểm. Ưu tiên bố trí sắp xếp bảo dưỡng, sửa chữa vào những ngày có biểu đồ phụ tải thấp hoặc vào những giờ thấp điểm trong ngày;

e) Hạn chế tối đa việc ngừng, giảm cung cấp điện của hệ thống điện; hạn chế bố trí bảo dưỡng, sửa chữa vào các thời điểm có sự kiện chính trị, văn hoá, xã hội đặc biệt.

3.  Trách nhiệm của các đơn vị trong việc lập kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa:

a) Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện có trách nhiệm lập kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị lưới điện và nhà máy điện trong hệ thống điện truyền tải bao gồm kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa lưới điện truyền tải, các nhà máy điện đấu nối với lưới điện truyền tải và các nhà máy điện có công suất đặt trên 30MW đấu nối vào lưới điện phân phối phục vụ cho việc lập kế hoạch vận hành hệ thống điện truyền tải theo trình tự quy định tại Phụ lục 10 Quy trình này.

b) Đơn vị truyền tải điện, Đơn vị phát điện, Đơn vị phân phối điện và Khách hàng sử dụng điện nhận điện trực tiếp từ lưới điện truyền tải phải tuân thủ hướng dẫn và kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị lưới điện và nhà máy điện do Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện lập.

c) Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện phải đánh giá mức độ ảnh hưởng của kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị lưới điện và nhà máy điện do Đơn vị truyền tải điện, Đơn vị phát điện, Đơn vị phân phối điện và Khách hàng sử dụng điện nhận điện trực tiếp từ lưới điện truyền tải đăng ký đối với an ninh cung cấp điện theo Quy trình đánh giá an ninh hệ thống điện trung hạn và ngắn hạn.

Điều 5. Thứ tự ưu tiên tách thiết bị để bảo dưỡng, sửa chữa

Khi xem xét tách thiết bị để bảo dưỡng, sửa chữa, Cấp điều độ có quyền điều khiển có trách nhiệm thực hiện theo thứ tự ưu tiên sau đây:

1. Tách thiết bị để bảo dưỡng, sửa chữa cho nhà máy điện có mức ưu tiên cao hơn cho lưới điện truyền tải.

2. Tách thiết bị để bảo dưỡng, sửa chữa của các nhà máy điện được ưu tiên thực hiện theo nguyên tắc tối thiểu chi phí mua điện toàn hệ thống.

3. Trường hợp có hai hoặc nhiều yêu cầu tách thiết bị để bảo dưỡng, sửa chữa nhà máy điện có cùng ảnh hưởng đến giá phát điện tới khách hàng sử dụng điện cuối cùng thì yêu cầu nào đưa trước sẽ có thứ tự ưu tiên cao hơn.

Điều 6. Từ chối yêu cầu tách thiết bị để bảo dưỡng, sửa chữa

1.  Trong quá trình lập kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị lưới điện và nhà máy điện, Cấp điều độ có quyền điều khiển có quyền từ chối yêu cầu tách thiết bị để bảo dưỡng, sửa chữa trong trường hợp việc tách thiết bị này dẫn đến vi phạm yêu cầu an ninh cung cấp điện và phải nêu rõ lý do từ chối.

2.  Trước khi từ chối yêu cầu tách thiết bị để bảo dưỡng, sửa chữa, Cấp điều độ có quyền điều khiển có trách nhiệm thực hiện thứ tự ưu tiên tách thiết bị để bảo dưỡng, sửa chữa theo quy định tại Điều 5 Quy trình này.

3.  Căn cứ thứ tự ưu tiên quy định tại Điều 5 Quy trình này, Cấp điều độ có quyền điều khiển có quyền từ chối yêu cầu tách thiết bị để bảo dưỡng, sửa chữa đến khi yêu cầu an ninh cung cấp điện được đảm bảo.

Điều 7. Các trường hợp thay đổi, điều chỉnh kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa

1. Thay đổi, điều chỉnh kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa theo đề nghị của Đơn vị truyền tải điện, Đơn vị phát điện, Đơn vị phân phối điện và Khách hàng sử dụng điện nhận điện trực tiếp từ lưới điện truyền tải trong các trường hợp:

a)  Việc thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị lưới điện và nhà máy điện theo kế hoạch đã được phê duyệt có thể dẫn đến mất an toàn vận hành của thiết bị hoặc vi phạm tiêu chuẩn kỹ thuật vận hành của các thiết bị có liên quan khác;

b)  Xảy ra sự cố trên hệ thống điện dẫn đến không thể thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa theo kế hoạch đã được phê duyệt. Trong trường hợp này, việc sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị sự cố được kết hợp với kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa đã được phê duyệt;

c)  Xảy ra những sự kiện bất thường ảnh hưởng đến kế hoạch vận hành dự kiến (diễn biến bất thường về thủy văn, sự cố hoặc kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống cung cấp nhiên liệu bị thay đổi…);

d)  Không thể thực hiện được kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị lưới điện và nhà máy điện do các nguyên nhân bất khả kháng.

2. Thay đổi, điều chỉnh kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa theo đề nghị của Cấp điều độ có quyền điều khiển để đảm bảo an ninh hệ thống điện trong các trường hợp:

a)  Tại bất kỳ thời điểm nào, khi nhận thấy có tín hiệu rủi ro làm suy giảm an ninh cung cấp điện;

b)  Trường hợp việc tách thiết bị để bảo dưỡng, sửa chữa dẫn đến vi phạm yêu cầu an ninh cung cấp điện.

Điều 8. Trình tự, thủ tục điều chỉnh kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa

1. Điều chỉnh kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa trong trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 7 Quy trình này:

a) Đơn vị truyền tải điện, Đơn vị phát điện, Đơn vị phân phối điện và Khách hàng sử dụng điện nhận điện trực tiếp từ lưới điện truyền tải có trách nhiệm giải trình lý do điều chỉnh và đăng ký lại kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa với Cấp điều độ có quyền điều khiển;

b) Cấp điều độ có quyền điều khiển có trách nhiệm xem xét giải trình của các đơn vị và điều chỉnh kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa phù hợp với đăng ký mới;

c) Trường hợp các lý do điều chỉnh không hợp lý, Cấp điều độ có quyền điều khiển có quyền yêu cầu các đơn vị này tiếp tục thực hiện đúng kế hoạch đã được phê duyệt.

2. Điều chỉnh kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa trong trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 7 Quy trình này:

a) Trên cơ sở đánh giá an ninh hệ thống điện, Cấp điều độ có quyền điều khiển thông báo và nêu rõ lý do từ chối kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa;

b) Các đơn vị chịu ảnh hưởng của việc từ chối kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa có quyền đề xuất sửa đổi kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa với Cấp điều độ có quyền điều khiển trong thời hạn 07 ngày;

c) Các đơn vị chịu ảnh hưởng có trách nhiệm đăng ký lại kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa với Cấp điều độ có quyền điều khiển ít nhất 48 giờ trước thời điểm thiết bị được tách ra khỏi vận hành, kể cả sửa chữa trong kế hoạch và ngoài kế hoạch sau khi đã điều chỉnh, sửa đổi;

d) Khi các điều kiện về an ninh hệ thống được đáp ứng, Cấp điều độ có quyền điều khiển có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị để phê duyệt kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa sửa đổi.

Điều 9. Đăng ký tách thiết bị để bảo dưỡng, sửa chữa

1. Trước khi tách thiết bị để bảo dưỡng, sửa chữa, Đơn vị truyền tải điện, Đơn vị phát điện, Đơn vị phân phối điện và Khách hàng sử dụng điện nhận điện trực tiếp từ lưới điện truyền tải có trách nhiệm gửi Đăng ký kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa và Phiếu đăng ký công tác đến Cấp điều độ có quyền điều khiển phê duyệt.

2. Việc đăng ký tách thiết bị để bảo dưỡng, sửa chữa được phân loại như sau:

a) Đăng ký bảo dưỡng, sửa chữa theo kế hoạch là đăng ký tách thiết bị để bảo dưỡng, sửa chữa trên cơ sở kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa đã được Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện lập;

b) Đăng ký bảo dưỡng, sửa chữa ngoài kế hoạch là đăng ký tách thiết bị để bảo dưỡng, sửa chữa không theo kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa đã được Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện lập;

c) Đăng ký bảo dưỡng, sửa chữa đột xuất là đăng ký tách thiết bị đang vận hành trong tình trạng có nguy cơ dẫn đến sự cố để sửa chữa.

3. Phiếu đăng ký công tác được thực hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục 9 Quy trình này bao gồm các nội dung cơ bản sau đây:

a)  Tên các thiết bị cần được tách ra bảo dưỡng, sửa chữa;

b)  Lý do tách thiết bị ra bảo dưỡng, sửa chữa;

c)  Nội dung công việc chính;

d)  Thời gian dự kiến bắt đầu và kết thúc bảo dưỡng, sửa chữa;

đ) Thời điểm dự kiến thao tác tách thiết bị và đưa thiết bị trở lại làm việc;

e)  Các thông tin cần thiết khác.

Để cập nhật thông tin vui lòng truy cập tại

0 nhận xét:

Cảm ơn bạn đã nhận xét